Tin tức

Gai bồ kết - 12 bài thuốc chữa bệnh từ gai bồ kết

07/04/2022 CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI G-WORLD 0 Nhận xét
Gai bồ kết - 12 bài thuốc chữa bệnh từ gai bồ kết

Gai bồ kết còn có tên gọi thông dụng khác trong Đông y là Tạo giác thích. Đây là vị thuốc có vị cay và tính ôn thường dùng chữa các chứng ung nhọt mưng mủ, chín mé, thông tắc sữa, đau nhức xương khớp do đàm thấp… Tuy nhiên, dược liệu được khuyến cáo là chống chỉ định với phụ nữ mang thai hay đối tượng âm hư hỏa vượng.

  • Tên gọi khác: Tạo giác thích, Tạo giác trâm.

  • Tên khoa học: Spina Gleditschae.

  • Họ: Vang (Caesalpiniaceae).

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Bồ kết là 1 loại cây gỗ có thể cao tới 5 – 10m. Cây có gai cứng, to, chia nhánh. Lá bồ kết mọc so le nhau, thường 2 lần kép lông chim và mang 3 – 4 cặp lá chét bậc nhất. Mỗi lá chét bậc nhất lại gồm 6 – 8 cặp lá chét bậc 2. Phần mặt trên của phiến lá chét có lông, đầu tròn hoặc lõm, gốc lá lệch. Mép lá có răng cưa nhỏ.

Cụm hoa mọc thành từng chùm ở nách lá hoặc ở ngọn. Hoa tạp tính gồm 5 lá đài và 5 cánh hoa có lông dài ở mặt trong. Hoa cái hay hoa lưỡng tính có 5 nhị, bầu dính và phủ lông sét. Còn hoa đực có 10 nhị và không có bầu. Quả cứng, khi chín sẽ có màu nâu đen. Mỗi quả chứa khoảng 10 – 12 hạt màu nâu.

2. Mô tả vị thuốc gai bồ kết

Gai cây bồ kết hay còn được gọi với tên thông dụng trong Đông y là tạo giác thích. Gai phân nhánh bao gồm gai chính cùng các gai nhánh, đôi khi có 2 – 7 gai xếp thành 1 cụm xoắn ốc.

Gai chính dài khoảng 3 – 15cm hay hơn, đường kính khoảng 0,3 – 1cm. Còn các gai nhánh dài khoảng 1 – 6cm, mặt phía ngoài có màu nâu hoặc tím. Chất nhẹ và cứng, khó bẻ gãy. Phần gỗ có màu trắng vàng, vị nhạt, không mùi.

3. Phân bố

Dược liệu được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía nam Trung Quốc như Hoa Đông, Hoa Bắc, Tứ Xuyên, Trung Nam, Quí Châu… Riêng ở nước ta, cây bồ kết mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Điển hình nhất là ở đảo Cát Bà – Hải Phòng, mỗi năm nơi đây sản xuất tới 40 tấn bồ kết.

4. Thu hái và sơ chế

Gai bồ kết có thể được thu hái ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Cần chọn loại gai còn tươi từng chùm ở cành hay thân. Không dùng loại gai đã để lâu và chết khô trên cây. Khi thu hái chỉ cần lấy dao lau rồi đi phơi khô và cắt nhỏ.

5. Bảo quản

Dược liệu khi đã qua sơ chế khô cần cho vào túi kín để ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.

6. Thành phần hóa học

Phân tích dược liệu gai bồ kết phát hiện một số thành phần chính như sau:

- glenidin

- gledigenin

- gleditschia saponin ceryl alcohol

- nonacosane

- stigmasterol

- sitosterol

- phenols

- flavonoids

- amino acids

Vị thuốc gai bồ kết

1. Tính vị

Dược liệu gai bồ kết được ghi nhận là có vị cay và tính ôn.

2. Quy kinh

Được quy vào 2 kinh Can và Vị.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

- Công dụng: Trừ đàm, hoạt huyết, tiêu thũng, thác độc, bài nùng, thông sữa.

- Chủ trị: Các chứng ung, sang độc sơ khởi hay chưa vỡ mủ do nhiệt độc, đau nhức xương khớp do đàm thấp.

Theo y học hiện đại:

- Các hoạt chất có trong gai bồ kết được cho là có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm rất tốt.

- Nước sắc dược liệu này có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu gai bồ kết được sử dụng với nhiều cách khác nhau. Có thể dùng đơn lẻ hay kết hợp với các vị thuốc khác tùy thuộc vào từng bài thuốc. Sắc uống, tán bột làm hoàn là những cách dùng phổ biến nhất. Liều dùng được khuyến cáo là 3 – 10g/ngày, tuy nhiên có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng trường hợp.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu gai bồ kết

Dưới đây là thông tin chi tiết về một số bài thuốc có sử dụng dược liệu gai bồ kết (tạo giác thích):

1. Bài thuốc trị mụn nhọt giai đoạn hóa mủ

- Chuẩn bị: 12g gai bồ kết, 20g hoa kim ngân, 12g hoàng cầm, 12g liên kiều, 6g trần bì, 16g sài đất, 16g lá bồ công anh.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc lấy nước uống ngày 1 thang. Cần duy trì uống liên tục 3 – 5 thang mới phát huy tốt tác dụng.

2. Bài thuốc chữa viêm tuyến vú

- Giai đoạn sữa ứ trệ: Cần chuẩn bị 8g gai bồ kết, 6g cam thảo, 12g thanh bì, 12g kim ngân hoa, 12g sài hồ, 12g ngưu bàng tử, 12g qua lâu, 8g liên kiều, 16g thiên hoa phấn, 10g trần bì, 10g sơn chi tử cùng 10g hoàng cầm. Cho hết các vị thuốc vào ấm rồi đổ 2 thăng nước vào. Tiến hành sắc lọc bỏ bã để lấy 200ml. Chia đều thành 3 lần uống mỗi ngày, dùng liều 1 thang/ngày. Thầy thuốc có thể gia giảm thêm 1 số vị tùy thuộc vào triệu chứng ở từng đối tượng người bệnh.

- Giai đoạn làm mủ: Cần có 6g gai bồ kết, 6g cam thảo, 6g xuyên sơn giáp, 10g hoàng liên, 10g liên kiều, 10g đại hoàng, 10g đinh lăng, 10g thăng ma, 12g bạch chỉ, 12g hoàng kỳ, 12g bạch thược, 12g cát cánh, 12g đương quy, 12g hoàng cầm, 12g sơn chi tử, 8g mộc hương cùng 8g bạc hà. Cho hết tất cả vị thuốc vào ấm sắc cùng với 1 thăng nước. Tắt bếp khi nước cô lại còn 200ml. Lọc bỏ bã chia đều 3 lần uống, ngày 1 thang.

- Giai đoạn vỡ mủ: Chuẩn bị 6g tạo giác thích, 6g xuyên sơn giáp, 6g cam thảo, 10g thăng ma, 10g nhân sâm, 12g hoàng kỳ, 12g đương quy, 12g bạch truật, 12g bạch chỉ, 12g thanh bì. Đem cho hết các vị thuốc này vào ấm, đổ thêm 1 lít nước. Đun trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc, lọc bỏ bã. Chia đều thành 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.

3. Bài thuốc chữa mụn trứng cá

- Chuẩn bị: 4g tạo giác thích, 6g hoàng kỳ, 4g hoạt thạch, 4g nhũ hương, 4g bạch thược, 4g bạch tật lê, 4g địa cốt bì, 4g trân châu, 4g bạch cập.

- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên đem ngâm chung với cồn 70° trong khoảng 3 ngày. Sau đó lọc lấy nước thuốc rồi pha thêm với 10ml glycerine, đem bảo quản trong hũ thủy tinh để dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ, vệ sinh da mặt sạch sẽ rồi lấy 1 ít thuốc thoa 1 lớp mỏng lên mặt. Một liệu trình duy trì liên tục trong vòng 7 ngày.

4. Bài thuốc chữa huyết ứ

- Chuẩn bị: 8g gai bồ kết, 12g ngưu tất, 8g hương phụ, 8g đào nhân, 16g ích mẫu cùng 8g uất kim.

- Thực hiện: Các vị thuốc đem cho hết vào ấm, đổ thêm 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ trong 15 phút. Lọc bỏ bã và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Bài thuốc đáp ứng tốt với các triệu chứng bế kinh vài tháng, hạ vị căng chướng cự án, sắc mặt xanh tối, miệng khô do huyết ứ.

5. Bài thuốc Hoàng kỳ nội thác tán

- Chuẩn bị: 12g gai bồ kết, 16g hoàng kỳ, 12g đương quy, 6g xuyên khung, 16g kim ngân hoa, 12g bạch truật, 12g trạch tả, 4g cam thảo cùng 12g thiên hoa phấn.

- Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm, sắc trên lửa nhỏ cùng 1 thăng nước. Lọc bỏ bã để thu lấy 300ml thuốc chia làm 3 lần uống, ngày dùng 1 thang.

6. Bài thuốc hỗ trợ chữa u xơ tuyến tiền liệt

- Chuẩn bị: 20g gai bồ kết, 30g thục địa, 30g đảng sâm, 30g hoàng kỳ, 30g đào nhân, 30g tô mộc, 30g mộc thông, 30g tỳ giải, 30g bạch truật, 20g hồng hoa, 20g xích thược, 20g đan sâm, 20g xuyên sơn giáp, 20g tam lăng, 20g nga truật, 20g huyền hồ sách, 20 xa tiền, 3 lát sinh khương cùng 2 quả đại táo.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc chung rồi lọc bã lấy nước uống ngày 1 thang. Có thể kết hợp sắc thêm 100g bông mã đề cùng 100g râu ngô để uống mỗi ngày 1 bát.

7. Bài thuốc chữa chín mé

- Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 8g gai bồ kết, 40g kim ngân hoa, 16g cây cải trời, 16g hà thủ ô cùng 10g kinh giới. Tất cả vị thuốc này đem sắc chung với 1 thăng nước trên lửa nhỏ. Bỏ bã thu lấy 300ml chia làm 3 lần uống, dùng ngày 1 thang.

- Bài thuốc 2: Cần có 16g gai bồ kết, 12g sinh địa, 12g đan sâm, 40g kim ngân hoa, 40g thạch cao, 40g bồ công anh cùng 20g huyền sâm. Các vị thuốc này cho vào ấm sắc lấy nước bỏ bã, ngày uống 1 thang.

- Bài thuốc 3: Chuẩn bị 8g gai bồ kết, 2g thạch xương bồ, 12g kinh giới, 16g hạ khô thảo cùng 16g hà thủ ô. Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang.

8. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh giang mai

- Chuẩn bị: 8g gai bồ kết đốt tồn tính, 12g ké đầu ngựa, 10g thổ phục linh, 16g hà thủ ô cùng 16g vỏ núc nác.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc cùng 600ml. Thu lấy 300ml lọc bỏ bã và chia làm 3 lần uống. Mỗi ngày dùng 1 thang.

9. Bài thuốc chữa viêm mũi kèm tắc nghẹt, khó thở

- Bài thuốc 1: Dùng gai bồ kết nướng sau đó tán thành bột mịn rồi thổi hay hít bột vào lỗ mũi. Mỗi ngày thực hiện hoảng 3 – 4 lần.

- Bài thuốc 2: Cần chuẩn bị 10g gai bồ kết cùng 10g thạch xương bồ và 5g rễ cây kinh giới. Đem các vị thuốc này tán thành bột mịn rồi trộn cho đều. Sau đó gói vào 1 miếng vải mỏng và nhét vào lỗ mũi. Người bệnh nằm ngửa 1 lúc sẽ thấy đường thở được khai thông.

10. Bài thuốc chữa đau nhức chân răng, có thể ra mủ

- Chuẩn bị: 20g gai bồ kết, 20g kim ngân, 20g liên kiều, 12g ngưu bàng, 12g chi tử, 12g hạ khô thảo, 8g xích thược, 6g xuyên sơn giáp cùng 4g bạc hà. 

- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc với 1 thăng nước trong 30 phút. Loại bỏ bã uống trong ngày với liều 1 thang/ngày.

11. Bài thuốc chữa kiết lỵ ra máu

- Chuẩn bị: Gai bồ kết cùng hoa đào phơi khô và chỉ thực sao cám với lượng bằng nhau.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn và thêm mật ong vào để hoàn thành viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần lấy uống 20 viên cùng với nước cơm, tần suất 3 lần/ngày.

12. Bài thuốc chữa chứng sưng tấy

- Chuẩn bị: 10g gai bồ kết khô, 10g mai cua sao vàng, 10g vảy tê tê sao phồng rộp.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên tán thành bột mịn, trộn đều rồi uống trực tiếp với rượu. Trường hợp không thể uống được rượu có thể dùng nước sôi ấm thay thế nhưng hiệu quả không cao bằng.

13. Bài thuốc chữa tắc tia sữa

- Chuẩn bị: 10g tạo giác thích, 10g hạt cây gạo sao, 10g cây bồ công anh khô, 10g kim ngân hoa, 8g cam thảo, 8g liên kiều cùng 5 lát gừng tươi.

- Thực hiện: Các vị thuốc làm thành 1 thang, sắc chung với 4 bát nước trên lửa nhỏ. Thu lấy 2 bát, lọc bỏ bã và chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và chiều. Mỗi ngày chỉ sắc uống 1 thang.

14. Bài thuốc chữa sưng đau vú cho phụ nữ

- Chuẩn bị: 20g gai bồ kết, 120g bồ công anh, 80g sài đất, 30g quả chộp phơi khô cùng 12g thông thảo.

- Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm, đổ vào 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ 30 phút. Lọc bỏ bã, chia thuốc ra làm nhiều lần uống, ngày 1 thang.

15. Bài thuốc chữa viêm Amidan cấp

- Chuẩn bị: 10g tạo giác thích.

- Thực hiện: Cho vị thuốc vào ấm sắc với nửa thăng nước để thu lấy 200ml. Lọc bỏ bã và chia đều thành 2 lần uống trong ngày. Duy trì đều đặn mỗi ngày 1 thang trong 2 – 6 ngày cho mỗi đợt điều trị.

16. Bài thuốc chữa áp xe tuyến vú

- Chuẩn bị: 30g tạo giác thích, lộc giác sương 14g, 15g quất hạch, 15g bồ công anh, 10g liên kiều, 15g đương quy, 15g lệ chi hạch, 15g ngân hoa, 12g bạch chỉ.

- Thực hiện: Các vị thuốc đem sắc lấy nước bỏ bã, chia làm nhiều lần uống. Mỗi ngày chỉ dùng đúng 1 thang.

17. Bài thuốc chữa nhọt độc, giang mai

- Chuẩn bị: 40g gai bồ kết, 40g ý dĩ nhân, 40g xích thược, 40g sơn chi, 40g phòng phong, 12g thổ phục linh, 40g ngũ vị tử, 40g mộc qua, 40g liên kiều, 40g kinh giới, 40 g kim ngân hoa, 40g khổ sâm, 40g hoàng nghiệt, 40g hoàng cầm, 40g đương quy vĩ, 40g địa cốt bì, 40g cam thảo, 40g bạch tiễn bì, 40g bạch tật lê, 40g bạch chỉ.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn rồi trộn cho đều. Sau đó làm hoàn 6 tễ. Mỗi ngày lấy uống 2 tễ cùng với nước sôi ấm.

18. Bài thuốc chữa rụng lông mày

- Chuẩn bị: 40g gai bồ kết, 40g hạn liên thảo, 40g thỏ ty tử cùng 160g mỡ heo.

- Thực hiện: Mỡ heo đem đun cho chảy ra rồi bỏ bã. Các vị thuốc còn lại tán bột mịn rồi cho vào nước mỡ đang nóng trộn đều và để nguội cho thành cao. Dùng thuốc này bôi trực tiếp lên chân mày.

19. Bài thuốc chữa lệ phong

- Chuẩn bị: 60g tạo giác thích, 240g đại hoàng cùng với 72g uất kim.

- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn, sau đó trộn đều với nhau. Mỗi lần lấy uống 12g thuốc bột cùng với rượu.

20. Bài thuốc Tiên phương hoạt mệnh ẩm

- Chuẩn bị: 8 – 12g gai bồ kết sao, 8 – 12g chích xuyên sơn giáp, 8 – 12g bạch chỉ, 8 – 12g thiên hoa phấn, 8 – 12g quy vĩ, 4 – 8g cam thảo, 12g xích thược, 6 – 8g nhũ hương, 6 – 8g một thược, 6 – 8g phòng phong, 6 – 8g trần bì, 8 – 12g bối mẫu, 12 – 20g kim ngân hoa.

- Thực hiện: Sắc chung với nước hay nửa rượu nửa nước để uống 2 ngày 1 thang. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu ung. Đáp ứng rất tốt với trường hợp bị mụn nhọt mới mưng mủ.

21. Bài thuốc Khí huyết xung hòa trục độc phương

- Chuẩn bị: 6g tạo giác thích, 12g nhân sâm, 12g hoàng kỳ, 12g đương quy, 12g bạch truật, 10g phục linh, 15g kim ngân, 12g bạch thược, 6g nhục quế.

- Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc kỹ lấy nước, bỏ bã chia làm nhiều lần uống mỗi ngày 1 thang. Đáp ứng với trường hợp sưng tấy vùng hàm cổ hay bị sang độc, ung nhọt ở những người già yếu.

Gai bồ kết mặc dù có tác dụng trị bệnh rất tốt nhưng cần cẩn trọng khi dùng. Đặc biệt đối tượng phụ nữ mang thai hay người có âm hư hỏa vượng tuyệt đối không sử dụng. Tốt nhất, trao đổi với bác sĩ kỹ lưỡng khi có ý định dùng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: